Tới tham dự buổi seminar có TS. Nguyễn Mạnh Tuân - Trưởng phòng ĐT&NCKH, lãnh đạo các khoa trong trường, các cộng tác viên, các chuyên viên Phòng ĐT&NCKH cùng toàn thể cán bộ giảng dạy Khoa Tài chính-Ngân hàng.
Buổi seminar khoa học này được tổ chức nhằm giúp cán bộ quản lý trong trường nắm rõ hơn về những khó khăn thực tế đào tạo theo tín chỉ đối với hệ đang gặp phải từ đó có những bài học rút ra để hoàn thiện đối với hệ SĐH, đồng thời cũng nhằm giúp giáo viên nắm vững hơn yêu cầu xây dựng đề cương môn học theo phương thức đào tạo tín chỉ.
Tại buổi seminar PSG.TS. Trịnh Thị Hoa Mai đã chia sẻ một số nhận thức về đào tạo theo phương thức tín chỉ: Đào tạo theo phương thức tín chỉ lấy người học là trung tâm, là đối tượng phục vụ, được hưởng thụ. Vì thế, cùng với sự cố gắng của người học, người thầy phải nỗ lực rất cao, người thầy không chỉ nói những gì mình biết mà còn phải hướng dẫn sinh viên khả năng tiếp cận tri thức hiện đại.
ThS. Đỗ Kiều Oanh nêu lên những khó khăn: số lượng giáo viên giảng dạy một môn học còn hạn chế lại phải cùng hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau trong cùng một khoảng thời gian; Chế độ đãi ngộ với giáo viên chưa thật thoả đáng… Còn ThS. Lê Thị Phương Thảo lại chia sẻ về những kinh nghiệm đào tạo theo phương thức tín chỉ từ chương trình chính sách Châu Á (APPP).
ThS. Nguyễn Thị Thư, Phó trưởng Phòng ĐT&NCKH cũng đã có những hướng dẫn khá cụ thể về công tác biên soạn đề cương chi tiết môn học - một công việc quan trọng, có vai trò lớn trong việc tổ chức thành công đào tạo theo phương thức tín chỉ ở các bậc học nói chung, ở bậc SĐH nói riêng.
Cũng tại buổi seminar, các cán bộ quản lý và giáo viên đều nhấn mạnh rằng cơ sở vật chất để đáp ứng việc đào tạo theo phương thức tín chỉ là còn hạn chế. Trong điều kiện hiện tại, phòng làm việc riêng cho giáo viên chưa thể đáp ứng được, phương tiện Internet sẽ là công cụ chính để giáo viên trao đổi với sinh viên. Vì thế nhà trường cần có chính sách hỗ trợ cho giáo viên. Vấn đề học liệu cho học viên và sinh viên tham khảo cũng là một vấn đề rất quan trọng, cần được quan tâm nhiều hơn.
Phát biểu tại buổi seminar, TS. Nguyễn Mạnh Tuân đã đánh giá đây là một buổi seminar khoa học này có ý nghĩa và rất thiết thực, giúp cho các cán bộ quản lý hoàn thiện khung chương trình đào tạo SĐH theo phương thức tín chỉ. Trên cơ sở đó việc triển khai đào tạo theo tín chỉ ở bậc SĐH sẽ có kết quả tốt hơn.