uyển sinh qua thi cử mới kiểm tra được kiến thức trong một số lĩnh vực, chưa đánh giá được hết trình độ, kinh nghiệm, khả năng tư duy của thí sinh, trong khi tiêu chí này quan trọng nhất với bậc sau đại học.
Theo kịp thế giới là yêu cầu đối với giáo dục Việt Nam và tư duy tuyển sinh mới là bước đầu trong lộ trình nâng lên đào tạo chất lượng cao. Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mùa tuyển sinh năm 2009 đã có cách làm mới.
Cách tuyển sinh như hiện nay khó có thể đánh giá chính xác trình độ tư duy mà chỉ kiểm chứng được kiến thức của thí sinh ở một thời điểm và ở một vài môn học cụ thể. Và nếu muốn dự thi bậc sau đại học, thí sinh thường phải có bằng cử nhân đúng hoặc phù hợp với chuyên ngành dự thi, do đó bỏ sót nhiều thí sinh có năng lực và kinh nghiệm, không tạo thuận lợi cho chuyển đổi kỹ năng công việc, dẫn tới đóng khung thị trường lao động và góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực ở nhiều lĩnh vực.
Hiện tại, nhu cầu chuyển đổi và tính chất liên ngành trong công việc ngày càng gia tăng dẫn đến nhu cầu đào tạo lại rất lớn. Thực tế Việt Nam sau nhiều năm kinh tế phát triển, xuất hiện nhiều nhu cầu mới về nhân lực, đòi hỏi người lao động phải có khả năng thích ứng và chuyển đổi nhanh. Điều đó yêu cầu giáo dục phải linh loạt hơn để theo kịp nhu cầu xã hội và tuyển sinh cần được đổi mới đầu tiên. Hơn nữa, đổi mới tuyển sinh sao cho không chỉ chú trọng đối tượng tuyển sinh, mà còn phải quan tâm đến trình độ đầu vào như thế nào.
Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội trong chiến lược phát triển chú trọng, ưu tiên đào tạo sau đại học và quan tâm đến chất lượng đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ từ các thí sinh có bằng cử nhân đúng hoặc phù hợp với chuyên ngành dự thi. Trường Đại học Kinh tế xác định đổi mới tuyển sinh và nâng cao chất lượng giáo dục để hướng tới mục tiêu trở thành trường đào tạo nhân lực kinh tế, quản trị kinh doanh chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế đào tạo các ngành như kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, kinh tế chính trị (bậc thạc sĩ và tiến sĩ) và tài chính ngân hàng (bậc thạc sĩ).
Đối với nghiên cứu sinh, Trường Đại học Kinh tế đổi từ hình thức thi tuyển sang xét tuyển hồ sơ chuyên môn. Cách làm này mới ở Việt Nam nhưng phổ biến ở các nước phát triển. Thí sinh, thay vì thi hai môn cơ bản và cơ sở, bảo vệ đề cương, chỉ phải làm hồ sơ xét tuyển bao gồm thư giới thiệu của nhà khoa học uy tín có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, đề cương nghiên cứu, hồ sơ học tập từ đại học đến thạc sỹ, những công trình nghiên cứu, ấn phẩm đã đăng, chứng chỉ ngoại ngữ...
TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Trường Đại học Kinh tế cho biết: “Hồ sơ được lượng hóa thông qua thang điểm và có một hội đồng xét tuyển nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác để tuyển chọn được những nghiên cứu sinh có trình độ, năng lực nghiên cứu”.
Đối với đào tạo thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế mở rộng đối tượng dự thi cho tất cả thí sinh có bằng đại học thuộc nhóm ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, không yêu cầu phải có bằng cử nhân chính quy, đúng hoặc phù hợp với chuyên ngành dự thi. Cụ thể, nếu cử nhân chính quy nhưng không đúng chuyên ngành được dự thi nhưng phải bổ túc kiến thức 15 tín chỉ (5 môn); cử nhân không chính quy được dự thi nhưng phải tốt nghiệp loại khá, có 2 năm kinh nghiệm và bổ sung kiến thức 27 tín chỉ (9 môn).
Những đổi mới này đã được Trường Đại học Kinh tế áp dụng trong tuyển sinh sau đại học đợt 1 năm 2009 và cho thấy kết quả tốt: chất lượng người trúng tuyển được nâng cao ở tiêu chí tư duy. Ở trình độ sau đại học, tư duy nghiên cứu được đánh giá cao hơn kiến thức chuyên môn. Nghiên cứu sinh Nghiêm Quý Hào, làm việc ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam, là 1 trong 3 thí sinh đầu tiên trúng tuyển qua xét tuyển đợt vừa qua, cho biết: “Sự đổi mới về tuyển sinh đòi hỏi thí sinh phải thể hiện được trình độ tư duy và năng lực nghiên cứu thực sự”.
Tuy nhiên, chỉ đổi mới tuyển sinh không tạo đột phá về chất lượng mà phải đi cùng với hiện đại hóa chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, quy trình quản lý tốt và kết hợp với hợp tác quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Thanh nói: “Thông qua hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế đặt mục tiêu quốc tế hóa chương trình giảng dạy trong nước, qua đó tiếp cận với trình độ thế giới”. Trường Đại học Kinh tế hiện liên kết với nhiều trường đại học trên thế giới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tương lai, trường đại học nào muốn phát triển phải có thương hiệu đào tạo chất lượng cao.
http://www.baocongthuong.com.vn/Details/doanh-nghiep-doanh-nhan/dao-tao-sau-dai-hoc-chat-luong-cao-bat-dau-tu-cach-tuyen-sinh-moi/32/0/17068.star