Nghệ thuật viết bài luận xin học bổng

 
 
Bài luận là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong hồ sơ xin học bổng. Một số lời khuyên dưới đây sẽ góp phần để bạn có một bài luận ấn tượng.

Không nên sao chép

 
Các bạn nên tự mình viết bài luận theo cách riêng nhưng vẫn phải tuân theo những quy tắc đã được quy đinh. Các bài luận mẫu chỉ có tác dụng tham khảo. Không nên sao chép bài luận bởi với kinh nghiệm tuyển sinh hội đồng tuyển chọn sẽ rất dễ dàng phát hiện ra việc bạn đạo văn.
 
Chân thực về chính bạn
 
Chọn một chủ đề có ý nghĩa với bạn sau đó viết bằng lời văn của mình. Viết ra những điều bạn nghĩ nhưng không phải những điều mà bạn cho là hội đồng tuyển sinh muốn nghe. Theo lời ông Charlote Lazor, Giám đốc trung tâm thông tin tuyển sinh của trường ĐH Wesleyan thì bài luận chính là cơ hội để những người xin học bổng cho chúng tôi biết họ là ai và vì sao họ đáng được chú ý.
 
Không nên mở rộng quá nhiều
 
Với một chủ đề, bạn không nên mở rộng quá nhiều kẻo lại gây lan man cho bài viết. Nên tập trung vào các ý chính để trình bày nhưng đừng lấy đó để thể hiện mình. Cụ thể như hội đồng tuyển chọn không muốn ngồi đọc những lời giảng giải của bạn về tình trạng phá hủy rừng nhiệt đới mà cái họ muốn biết là bạn quan tâm đến môi trường thế nào.
 
Thể hiện tính sáng tạo
 
 
Nên nhớ rằng hội đồng tuyển sinh phải đọc hàng trăm có thể là hàng nghìn bài luận vì vậy thu hút được sự chú ý bạn nên có tính sáng tạo trong bài luận của mình. Thử tìm hiểu những vấn đề mới lạ và có thể là kém theo phương án giải quyết. Không nên viết những chủ đề mờ nhạt như: “Uống rượu lúc lái xe là có hại” hay “Cô giáo là người có ảnh hưởng đến tôi nhất”.
 
Thu hút người đọc
 
Bài luận nên thu hút được người đọc, khiến họ suy nghĩ và không quên. Thu hút người đọc bằng phần mở đầu ngắn gọn nhưng súc tích và hấp dẫn. Sau khi trình bày nội dung các ý chính đưa ra lý do để kết thúc bài luận.
 
Nêu bật những điểm tích cực
 
Nếu bạn đang viết về một kinh nghiệm khó khăn và trình bày những mặt tiêu cực nhưng không nên đào sâu vào đấy. Thay vào đó, hãy chỉ ra các khó khăn đó đã khiến bạn thay đổi như thế nào và làm thế nào bạn đã vượt qua những khó khăn đó.
 
Dành thời gian cho việc kiểm tra lại
 
Đánh giá kỹ lưỡng, tìm ra những điểm yếu và sai sót chính tả, lỗi ngữ pháp trong bài viết. Đây là một khâu quan trọng không thể bỏ qua. Nhờ bạn bè, cha mẹ, thầy cô đọc đưa ra ý kiến góp ý xem liệu họ có hiểu những gì bạn muốn trình bày hay bài viết có bị lan man hay không?
 
Tuyệt đối không thể để mắc một lỗi nhỏ nào bằng cách nhờ chính thầy cô dạy tiếng Anh của bạn kiểm tra lại. Đừng để những sai lầm nhỏ làm mất đi cơ hội trở thành du học sinh của bạn.