Tham dự buổi họp báo có bà Marie Ottosson - Phó Đại sứ - Trưởng Ban Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, bà Karin Thellenberg - Chủ nhiệm Chương trình và bà Elisabet Montgomery - Cố vấn kiêm Giám đốc chương trình liên kết đào tạo MPPM với Trường ĐHKT và ThS. Phạm Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục & Đào tạo Quốc tế, Trường ĐHKT cùng đại diện các Báo Tuổi Trẻ, Trung tâm Truyền thông & Thông tin - Đại sứ quán Thụy Điển.
Mở đầu buổi họp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã giới thiệu về nhà trường, đặc biệt nhấn mạnh các điểm ưu việt và tính cần thiết của chương trình liên kết đào tạo MPPM với Trường ĐH Uppsala - một trong những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới. Trả lời phỏng vấn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Chương trình liên kết đào tạo này có thời gian chuẩn bị và trao đổi lâu dài. Đối tượng chủ yếu của chương trình là những cán bộ đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý công, đặc biệt, năm nay các học viên tham gia là những đối tượng thuộc Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương - Đảng Cộng sản Việt Nam (Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước).
Khung chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế nhưng được nghiên cứu để phù hợp với Việt Nam, cung cấp cho học viên những kiến thức mới nhất, tạo cơ hội để học viên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi. Một trong những điểm mới của chương trình này so với các chương trình liên kết đào tạo khác là tính tương tác cao giữa người dạy và người học, mang tính “mở” và được rà soát lại hàng năm.
Các phóng viên đã trao đổi và bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến chương trình này bằng những câu hỏi về hầu hết các vấn đề như tiêu chí lựa chọn giảng viên, học viên, học phí, những điểm khác biệt của chương trình cùng các điều kiện đảm bảo. Điều này không những nói lên mối quan tâm của xã hội nói chung về chương trình liên kết đào tạo MPPM, mà còn là cơ hội để Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng như đối tác chứng tỏ vị trí quan trọng và cần thiết của chương trình đối với khu vực công và chiến lược phát triển của Việt Nam dưới góc độ hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển.
Tại buổi họp báo, đại diện Viện Quốc tế về Hành chính công Thụy Điển (SIPU International AB), đơn vị hỗ trợ và trực tiếp quản lý chương trình đã đánh giá cao các điều kiện đảm bảo chương trình của Trường ĐHKT, đó là giảng viên trình độ cao, có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, cơ sở và môi trường học tập tốt; đồng thời bày tỏ niềm vinh hạnh khi cùng hợp tác với Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Công sứ Marie Ottosson, Đại sứ quán Thụy Điển cũng tin tưởng rằng chương trình hợp tác đào tạo này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của Việt Nam nói chung và khu vực hoạt động hành chính công nói riêng, bà cũng cam kết Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) sẽ tiếp tục hỗ trợ theo từng lộ trình của chương trình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn